Học trong cơn “đói” và sự “buồn ngủ”
Múi giờ của Việt Nam và các quốc gia khác, đặc biệt ở khu vực Châu Âu, Châu Mỹ thường có sự chênh lệch rất rõ rệt ,vậy nên thông thường, nếu như ở Việt Nam là ban ngày thì ở các nước phương Tây là chiều, tối, đêm và ngược lại.
Các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam khi mới bước chân đến nước mình du học hầu hết đều bị mệt mỏi, mất ngủ vì sự khác biệt về múi giờ. Có những bạn có thể thích nghi nhanh chóng, nhưng có những bạn phải mất một thời gian dài để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của mình để tránh ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt. Vì vậy, việc cố gắng thích nghi và có những kế hoạch học tập, sinh hoạt hợp lý để sức khỏe và việc học tập không bị ảnh hưởng bởi việc lệch múi giờ là rất quan trọng.
IELTS/TOEFL cao nhưng giao tiếp “khó”
IELTS là một trong những điều kiện kiên quyết và cũng là điều kiện thuận lợi để giúp các bạn trẻ có cơ hội được nhận vào trường và ngành học mà mình mơ ước. Những tưởng điểm thi IELTS/TOEFL cao sẽ giúp mọi người có thể tự tin giao tiếp với người bản xứ, nhưng “đời không như mơ”. Cái “khó” ở đây không phải là không thể giao tiếp, mà do rào cản giữa ngôn ngữ địa phương và việc tiếp nhận lượng lớn ngôn ngữ chuyên ngành/học thuật trong chương trình học. Hầu hết tất cả du học sinh Việt Nam khi sang đất nước khác đều mất một khoảng thời gian ban đầu để làm quen lại với nghe nói giao tiếp ở nước mà bạn du học, vấn đề không nằm ở chỗ bạn giỏi ngoại ngữ bao nhiêu (tức là điểm IELTS hay TOEFL cao) mà là bạn có thể sử dụng nó thuần thục trong cuộc sống hằng ngày để giao tiếp, bắt kịp được tốc độ nói với người bản địa cũng như từ ngữ địa phương…
Đây chính là một trong những lý do khiến cho các bạn du học sinh cảm thấy sợ giao tiếp hơn, đôi khi khiến bản thân trở lên trầm lắng, ngại giao tiếp và làm quen với mọi người.
Trên thực tế vẫn có nhiều du học sinh gặp phải rào cản về ngôn ngữ trong giao tiếp lẫn việc không theo kịp các bài giảng trên lớp. Cú sốc này thường xuất hiện trong học kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, hiện các bạn sinh viên hoàn toàn có thể vượt qua được cú sốc đó bằng việc đăng ký học thêm những khóa học về ngôn ngữ chuyên ngành sau khi chọn xong ngành mà mình theo học. Việc này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân, bởi nó sẽ giúp nâng cao từ vựng về ngôn ngữ chuyên ngành, từ đó giúp học sinh/sinh viên bắt kịp được tốc độ giảng dạy và hiểu bài hơn.
Dễ cảm thấy cô đơn, nhớ nhà
Du học tại một quốc gia cách quê nhà hàng nghìn cây số, với một khoảng cách xa như vậy, cộng với thời gian học tập, việc trở về nhà để thăm gia đình, bạn bè, người thân không hề dễ dàng. Đặc biệt trong khoảng thời gian đầu xa nhà, học tập tại một chân trời mới, tại nơi bạn chưa kịp thích nghi với lối sống, với một môi trường mới, bạn bè mới, việc cảm thấy lạc lõng, cô đơn là không thể tránh khỏi. Không thể gặp bố mẹ, người thân sau những giờ học, không có những khoảng thời gian đi chơi cùng bạn thân như trước, không ở cạnh vui vẻ bên mọi người sẽ khiến bạn thấy rất chán nản. Nhưng đừng vì vậy mà nản lòng nhé. Hãy cố gắng tìm cách làm quen với những điều khác lạ xung quanh mình, cân đối thời gian một cách hợp lý giữa việc học, hoạt động sinh hoạt hàng ngày và thời gian tham gia các hoạt động thể chất, CLB của trường. Thông qua đó, bạn sẽ có một quỹ thời gian hợp lý cho bản thân, học được cách sống độc lập hơn và biết trân trọng những khoảng thời gian được sinh sống và học tập tại chân trời mới.
Tâm lý quy đổi tiền ngoại tệ sang tiền Việt
Khi học tập và sinh sống tại quốc gia mới, đại đa số du học sinh sẽ mang tâm lý quy đổi giá thành sản phẩm sang tiền Việt. Tâm lý này khiến du học sinh cảm thấy chi phí phải bỏ ra cho một bữa ăn hay một quyển sách… là vô cùng đắt đỏ. Nhưng điều này liệu có đúng? Dẫu biết việc tiết kiệm và mong muốn san sẻ tài chính với bố mẹ là đáng khen nhưng các bạn cũng cần cân nhắc về việc chi tiêu cho những khoản thực sự quan trọng và cần thiết. Vậy nên hãy làm quen với việc quản lý tài chính cá nhân, lên kế hoạch và ghi chép lại những khoản chi của mình. Đối với những nhu cầu phát sinh thêm, hãy cân nhắc thật kỹ để không bị gạt đi những khoản chi tiêu cần thiết có tầm ảnh hưởng quan trọng đến kế hoạch của bản thân.
Cách khắc phục/vượt qua cú sốc văn hóa
Thay đổi một thói quen, chấp nhận những sự thay đổi hay đặt chân đến một mảnh đất hoàn toàn mới để học tập dễ gây cho chúng ta cảm giác lo sợ rằng không biết mình sẽ thích nghi và vượt qua những rào cản về văn hóa và ngôn ngữ như thế nào. Để thay đổi một thói quen mất rất nhiều thời gian, ngay cả câu chuyện đi ngủ đúng giờ hay không hay duy trì đọc sách mỗi ngày đã là một nhiệm vụ chẳng hề đơn giản, vậy thì thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt, học tập, vui chơi càng không phải câu chuyện của ngày một ngày hai.
Để giảm thiểu “sốc văn hóa”, hãy tìm hiểu thật kỹ về văn hóa, về con người bản địa. Khi đã có một sự am hiểu nhất định, bạn sẽ biết cách để ứng xử và vượt qua những sự khác biệt tại đất nước đó. Hãy đơn giản hóa mọi chuyện và đừng suy nghĩ quá nhiều. Học cách chấp nhận, bình thường hóa cú sốc này và dần thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực hơn, phù hợp hơn với môi trường mới. Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội tại trường để có thêm cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với các bạn du học sinh đến từ các quốc gia khác nhau là rất quan trọng. Sớm thôi, bạn sẽ tìm được ít nhất một nơi bạn có thể thuộc về, một nơi đủ hoàn hảo để kết giao với những người cùng chí hướng và lấp đầy khoảng trống trong bản thân. Và cuối cùng, đừng vội nản chí và bỏ cuộc nhanh chóng, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân. Việc lắng nghe những lời động viên, quan tâm, khích lệ bạn trong những giai đoạn đầu là rất cần thiết. Nó sẽ giúp bạn trở nên yên tâm hơn, có ý chí cố gắng hơn để việc qua những khó khăn ban đầu.
Sốc văn hóa là vấn đề không ít du học sinh Việt Nam gặp phải trong giai đoạn đầu. Điều quan trọng nhất để vượt qua những cú sốc văn hóa khi đi du học đó chính là hãy chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng cho những trải nghiệm mới và đừng cảm thấy mất niềm tin vào bản thân. Du học thời gian đầu khó khăn thật đấy, nhưng hãy cho nó thời gian thích ứng và bạn sẽ tìm thấy được chính mình nhưng ở một phiên bản hoàn thiện và tuyệt vời hơn.
——————————————————————————–
Để biết thêm thông tin liên hệ Hệ thống Du học và Luyện thi ISTAR:
Văn phòng Hà Nội: Tầng 4, 100 Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 093.610.6799.
Email: duhoc@istarenglish.com
Website: istarenglish.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/istarenglish