Nhóm ESFJ nên làm gì? Series “Hướng nghiệp theo kiểu MBTI” là chuỗi bài viết gợi ý các công việc phù hợp với mỗi nhóm tính cách. Series sẽ được lên sóng đều đặn vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần trên trang website và fanpage của ISTAR. (Đọc phần 1 tại đây!)
Cùng theo dõi phần 2: 8 công việc tốt nhất cho các kiểu tính cách ESFJ nhé!
ESFJ nên làm gì ư? Trước hết phải biết họ là người thế nào!
ESFJ là nhóm giàu lòng nhân ái. Tấm lòng vị tha trôi chảy bên trong khiến họ luôn mong muốn giúp người khác trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. ESFJ thường có khả năng đưa ra lời khuyên một cách thiết thực.
Họ cũng xuất sắc trong việc tổ chức, sắp xếp và xây dựng hệ thống. Niềm tin mạnh mẽ về lòng tốt của con người và mong muốn giúp đỡ người khác đưa họ đến với các nghề nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, quan hệ công chúng và tư vấn.
Vậy ESFJ nên làm gì?
1. Giám đốc quan hệ công chúng
Một trong các nghề nghiệp ESFJ được hướng đến đó là Giám đốc/Quản lý Quan hệ công chúng (PR). Thông qua các chiến dịch tiếp thị, truyền thông, và PR hiệu quả, các chuyên gia này nâng cao danh tiếng và nhận diện thương hiệu cho khách hàng. Các nhà quản lý Quan hệ công chúng thường có kiến thức về marketing, có khả năng tạo dựng mối quan hệ bền chặt với con người, cũng như phản ứng để xử lý nhanh các khủng hoảng.
Triển vọng việc làm
Cục Thống kê Lao động (BLS) dự báo tăng trưởng việc làm 9% cho các nhà quản lý PR (2019 – 2029). Thời đại công nghệ số 4.0 với sự phát triển của các phương tiện truyền thông số đã giúp gia tăng nhu cầu về các chuyên gia định hướng thương hiệu này.
Một phần nhu cầu cho vị trí này đến từ các trường Đại học và tổ chức phi lợi nhuận – nơi mà việc duy trì hoạt động phụ thuộc lớn vào hình ảnh tổ chức. Theo BLS, các nhà quản lý PR kiếm được mức lương trung bình là 116.180 $, cao hơn mức trung bình cho tất cả các ngành nghề (39.810$).
Yêu cầu
Hầu hết các công việc quản lý PR đều yêu cầu bằng cử nhân về quan hệ công chúng, tiếp thị, quảng cáo, truyền thông hoặc một lĩnh vực liên quan. Một số nhà tuyển dụng thích các ứng viên có bằng thạc sĩ.
Kinh nghiệm đóng một vai trò quan trọng nếu muốn giữ chức quản lý. Ngoài ra, kinh nghiệm làm việc với những người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông, cũng như kiến thức nền tảng về truyền thông kỹ thuật số sẽ là một ưu thế lớn cho người lao động.
2. Chuyên gia tư vấn hôn nhân và gia đình
Một nghề nghiệp cho ESFJ nữa là chuyên gia về gia đình. Thực tế, nhiều ESFJ có niềm tin mạnh mẽ về các mối quan hệ hôn nhân. Và họ thực sự mong muốn mang đến những lời khuyên thiết thực để gỡ rối các vấn đề.
Các chuyên gia này làm việc với các gia đình, cá nhân và các cặp vợ chồng đang trải qua những xung đột, khủng hoảng hoặc rối loạn tâm thần, cảm xúc. Đó có thể là vấn đề giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái… Các chuyên gia hôn nhân và gia đình giúp các khách hàng nhận ra vấn đề của mình, và biết cách giao tiếp tốt hơn để giải quyết các vấn đề đó.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo tăng trưởng việc làm lên đến 22% cho các chuyên gia hôn nhân và gia đình (2019 – 2029), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến trung bình cho tất cả các nghề nghiệp khác (4%). Các nhà trị liệu này kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 49.610 đô la.
Các chuyên gia này có thể làm việc trong các cơ sở hành nghề tư nhân, bệnh viện và các trung tâm điều trị sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện. Các dịch vụ cá nhân và gia đình là những nhà tuyển dụng lớn nhất cho các cố vấn này.
Yêu cầu
Chuyên gia tư vấn hôn nhân và gia đình thường cần có bằng thạc sĩ về trị liệu hôn nhân và gia đình, tâm lý học hoặc một lĩnh vực liên quan. Họ phải có bằng cử nhân – tốt nhất là trong lĩnh vực liên quan như tâm lý học, tư vấn hoặc công tác xã hội.
Các yêu cầu về giấy phép cũng khác nhau tùy theo đất nước. Ở mỹ, bắt buộc có từ 2.000 – 4.000 giờ thực tập, được trả lương cho các buổi trị liệu.
3. Y tá
Y tá là một trong những nghề nghiệp tốt cho ESFJ. Với khả năng chăm sóc bẩm sinh, các ESFJ được đánh giá là người mang đến những dịch vụ tốt ngoài mong đợi cho bệnh nhân của mình.
Các y tá theo dõi và hỗ trợ về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh. Các công việc hàng ngày có thể gồm ghi lại tiền sử bệnh, yêu cầu thuốc, hướng dẫn bệnh nhân quy trình tự chăm sóc. Có những y tá có chuyên môn cụ thể, chẳng hạn như chăm sóc đặc biệt, điều dưỡng sơ sinh hoặc phục hồi chức năng.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo tăng trưởng việc làm 7% cho các y tá đã đăng ký từ năm 2019 đến năm 2029.
Các trung tâm chăm sóc bệnh nhân ngoại trú và các cơ sở chăm sóc dài hạn cho bệnh nhân cao tuổi… có thể có mức tăng trưởng trên con số này.
Nói chung, mức lương trung bình hàng năm của một y tế trên thế giới là 73.300$, 10% trong số họ kiếm được đến hơn 111.220$ mỗi năm. Mức lương sẽ phụ thuộc vào trình độ học vấn và chuyên môn của y tá.
Yêu cầu
Thường các y tá cần có bằng Trung cấp, Cao đẳng hoặc cử nhân. Các vị trí như y tá trưởng, phụ tá bác sĩ, hay gây mê có thể yêu cầu bằng cấp cao hơn cùng kinh nghiệm làm việc dày dặn.
Họ cũng cần vượt qua các kỳ thi cấp phép hành nghề. Nói chung mỗi quốc gia và khu vực sẽ có yêu cầu khác nhau về số bằng cấp này.
4. Giáo viên giáo dục đặc biệt
Các ESFJ thường xuất sắc ở các vị trí mà họ có thể cải thiện cuộc sống của người khác. Họ cảm thấy tự hào khi tạo ra các sự thay đổi, sự khác biệt tích cực. Do đó, có thể họ cảm thấy sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt là định mệnh của đời mình.
Giáo viên giáo dục đặc biệt làm việc với học sinh có biểu hiện khuyết tật về thể chất, tinh thần, cảm xúc hoặc khả năng học tập. Những giáo viên này đánh giá kỹ năng của học sinh và xây dựng kế hoạch giảng dạy được thiết kế cho các nhu cầu cụ thể của họ. Họ có thể dạy lớp nhóm, hoặc can thiệp 1:1 với học sinh. Các nhiệm vụ khác nhau có thể tuỳ theo chuyên môn và khuyết tật của học sinh.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo tăng trưởng việc làm 3% cho giáo viên giáo dục đặc biệt từ năm 2019 đến năm 2029.
Mức lương trung bình ở mức 61.030$, với 10% kiếm được đến 98.530$ mỗi năm.
Nhu cầu về nghề nghiệp ngày càng tăng do ngày càng có phương pháp tiên tiến hơn để can thiệp trẻ. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng khiến gia tăng số lượng trẻ em cần giúp đỡ.
Yêu cầu
Bằng cấp chuyên gia sẽ có lợi thế khi họ làm việc ở các tổ chức lớn, chuyên nghiệp. Bằng cấp cao cũng thường đồng nghĩa với việc họ được đào tạo chuyên môn một cách bài bản, có kiến thức can thiệp tốt. Họ cũng có thể cần bằng giáo dục tiểu học, hoặc giáo dục trẻ tự kỷ.
5. Nhà tổ chức sự kiện
Các ESFJ có con mắt tinh tường, tính cách chu toàn, nên rất phù hợp trong việc thiết lập kế hoạch, hay điều phối các sự kiện. Phần nhiều cá nhân trong nhóm tính cách này yêu thích việc gắn kết mọi người, tạo ra các chương trình khuấy động không khí cho các chương trình.
Nhà tổ chức sự kiện là người nắm rõ và bao quát toàn bộ các hoạt động của sự kiện. Họ điều phối cả các chi tiết nhỏ như sắp xếp địa điểm, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, hay thậm chí cả chỗ ở hay phương tiện đi lại cho khách mời. Họ tham gia sự kiện, và đảm bảo tất cả các khía cạnh diễn ra trôi chảy. Họ cũng có thể đứng ở vai trò một nhà tổ chức tiệc cưới, nhân viên truyền thông nội bộ cho doanh nghiệp, hay nhân viên sự kiện ở các tổ chức phi lợi nhuận.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo lượng việc làm trong ngành sẽ tăng 8% (2019 – 2029).
Mức lương trung bình cho vị trí này là 50.600$, 10% trong số họ kiếm được đến 86.390$ mỗi năm.
Các ứng viên có kinh nghiệm về truyền thông xã hội, hoặc phần mềm họp ảo có thể có ưu thế hơn. Các ngành tuyển dụng chủ yếu là Nghệ thuật – Giải trí, Khách sạn, Nhà hàng, Công ty tiệc cưới, Tổ chức phi lợi nhuận.
Yêu cầu
Bằng cấp là yếu tố không bắt buộc cho các nhà tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, nhân sự được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này sẽ có tư duy tổng quát và kiến thức tổ chức chuyên nghiệp, có thể được ưu ái tại các công ty – tổ chức lớn. Kinh nghiệm cũng là một điểm cộng lớn, sẽ ảnh hưởng và quyết định đến mức lương.
6. Người viết kỹ thuật
Nhiều ESFJ có kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề xuất sắc, tiềm năng này sẽ giúp họ phát triển trong nghề viết kỹ thuật. Các quy trình, thủ tục, thông số… là những điều thu hút họ đến với công việc này.
Người viết kỹ thuật giúp đơn giản hóa thông tin phức tạp, tạo ra các tài liệu hướng dẫn dễ đọc và có độ chính xác cao. Các tài liệu thường thấy như hướng dẫn cách thực hiện, hướng dẫn sử dụng, giải thích các thông tin và ghi chú. Người viết kỹ thuật có thể làm việc trong nhiều ngành, như công nghệ thông tin, phần mềm máy tính, kỹ thuật, khoa học, chăm sóc sức khỏe, chính phủ và giáo dục.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo việc làm của ngành tăng trưởng khoảng 7% (2019 – 2029). Sự phát triển của ngành công nghệ và điện tử góp phần gia tăng số lượng lớn lao động cho vị trí này.
Các nhà văn kỹ thuật kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 72.850 đô la. Trong khi hầu hết các nhà văn kỹ thuật làm việc với tư cách là nhân viên cho các công ty, một số làm việc độc lập hoặc làm dịch giả tự do cho các công ty tư vấn kỹ thuật.
Yêu cầu
Các nhà viết kỹ thuật thường được yêu cầu bằng cử nhân về tiếng Anh, báo chí hoặc truyền thông kỹ thuật. Một số vị trí chuyên môn cao có thể yêu cầu kinh nghiệm về y học, khoa học máy tính hay kỹ thuật.
Các chứng chỉ hành nghề có thể trở thành một tấm vé mang đến cơ hội việc làm và thăng tiến tốt hơn. Hãy tìm hiểu thêm thông tin các chứng chỉ được công nhận tại quốc gia hoặc toàn thế giới.
7. Quản trị nguồn nhân lực
Kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, và giao tiếp cá nhân mạnh mẽ là những tố chất giúp ESFJ có thể thành công với tư cách là một nhà quản lý nguồn nhân lực. Vai trò này cũng phù hợp với mong muốn tiềm ẩn trong ESFJ, đó là bảo vệ và giúp người khác khám phá các giới hạn của bản thân.
Nhà quản trị nguồn nhân lực phụ trách quản trị vấn đề nhân sự của doanh nghiệp. Tuỳ theo loại hình, quy mô của tổ chức, công việc của họ có thể bao gồm thuê/tuyển dụng, đào tạo, giải quyết các thủ tục, quyền lợi, và tranh chấp của người lao động. Họ là cầu nối truyền thông giữa nhân viên và hệ thống điều hành tổ chức.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo mức tăng trưởng việc làm trong ngành ở mức 6% (2019 – 2029). Nhu cầu nhân sự tăng một phần do sự thay đổi của Luật Lao động, cũng như sự gia tăng của ngày càng các doanh nghiệp mới.
Các nhà quản lý nhân sự kiếm được mức lương trung bình hàng năm là $ 116,720. Các nhà tuyển dụng lớn nhất cho các nhà quản lý này bao gồm các dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật; chế tạo; và chăm sóc sức khỏe.
Yêu cầu về giáo dục
Hầu hết các vị trí quản trị nguồn nhân lực yêu cầu bằng cử nhân tương đương, hoặc một lĩnh vực liên quan, chẳng hạn quản lý kinh doanh. Một số nhà tuyển dụng ưu thích các ứng viên có bằng thạc sĩ kinh doanh và nhân sự. Ứng viên có kinh nghiệm làm việc liên quan sẽ là điểm cộng lớn.
Mặc dù không bắt buộc, nhưng chứng chỉ nhân sự có thể gia tăng cơ hội việc làm. Một số hiệp hội nghề nghiệp cung cấp các chương trình chứng nhận, bao gồm Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực và Viện Chứng nhận Nhân sự (tuỳ quốc gia).
8. Bác sĩ dinh dưỡng
ESFJ thực sự mong muốn giúp đỡ mọi người, và sự thay đổi tích cực của họ sẽ khiến ESFJ vô cùng tự hào. Các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn cho các cá nhân, nhóm về thói quen ăn uống lành mạnh, giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Các nhà dinh dưỡng học có thể hành nghề tư nhân hoặc làm việc cho một tổ chức. Các công việc phổ biến bao gồm: đánh giá nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân, phát triển kế hoạch ăn uống và đánh giá quá trình. Sự tư vấn về chương trình dinh dưỡng hợp lý tới các nhóm lớn (VD đi diễn thuyết, tư vấn tại các tổ chức, hội thảo lớn) có thể thúc đẩy lối sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.
Triển vọng việc làm
Theo Báo cáo tăng trưởng việc làm của BLS, số lượng chuyên gia dinh dưỡng từ 2019 đến 2029 dự báo tăng 8%. Nhu cầu chuyên gia dinh dưỡng tăng lên bởi có ngày càng nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khoẻ và phòng chống bệnh tật. Bên cạnh đó, trạng thái dân số già đi cùng với việc tăng cao tỷ lệ béo phì cũng góp phần thúc đẩy các cơ hội việc làm trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia dinh dưỡng có mức lương trung bình hàng năm là 61.270 đô la. Các nhà tuyển dụng hàng đầu cho các chuyên gia này bao gồm bệnh viện, cơ quan chính phủ, cơ sở điều dưỡng và chăm sóc nội trú và trung tâm chăm sóc ngoại trú.
Yêu cầu
Hầu hết các vị trí bác sĩ dinh dưỡng cần có bằng cử nhân về thực phẩm và dinh dưỡng, hoặc một lĩnh vực liên quan như sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng. Một số nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bằng thạc sĩ. Sinh viên theo học bậc thạc sĩ có thể lựa chọn ngành học phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp cụ thể, ví dụ như quản lý dinh dưỡng hay sức khoẻ cộng đồng.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ còn yêu cầu chuyên gia dinh dưỡng phải được cấp giấy phép. Giấy phép sẽ bao gồm bằng cử nhân dinh dưỡng, và chứng nhận vượt qua bài thi đánh giá năng lực do cơ quan nhà nước tiến hành.
Vậy là ISTAR đã đưa ra 8 gợi ý nghề nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm thông tin để trả lời cho câu hỏi “ESFJ nên làm gì?”. Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo trong Series “Hướng nghiệp theo kiểu MBTI” tại đây hoặc tại fanpage ISTAR bạn nhé!