MBA (Master of Business Administration – Thạc sĩ quản trị kinh doanh) là chương trình đào tạo sau đại học phổ biến nhất toàn cầu. Đây được coi như một tấm vé thông hành cho những doanh nhân thành đạt trong tương lai. Những người có bằng MBA thường có kỹ năng quản lý và giao tiếp tốt, có thể tiếp cận nhiều công việc lương cao, và có nhiều cơ hội thăng tiến. Không phải tất cả các nghề nghiệp đều yêu cầu có bằng MBA. Nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng, những người có bằng MBA quốc tế sẽ có ưu tiên nhất định. Cùng chúng tôi xem xét 7 công việc hàng đầu khi có bằng MBA năm 2021 nhé!
Quản lý dự án (Project Manager)
Quản lý dự án (Project Management) là một trong các công việc hàng đầu khi có bằng MBA. Họ các chuyên gia điều hành của doanh nghiệp. Họ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các khía cạnh của một dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Các công việc bao gồm lập kế hoạch, điều phối, giám sát thực hiện cùng đánh giá sau khi triển khai. Các nhà quản lý dự án làm việc để đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ, ngân sách cũng như các tiêu chuẩn đã đề ra.
Hầu hết các dự án đều được thực hiện bởi một nhóm, có thể là nhân sự của công ty hay thuê ngoài. Quản lý dự án sẽ là người quản lý trực tiếp và điều phối hoạt động của team sao cho các khâu được vận hành trơn tru, hiệu suất cao. Họ cũng là cầu nối giao tiếp giữa team và ban điều hành doanh nghiệp.
Triển vọng việc làm
Theo Viện Quản lý Dự án (PMI), nhu cầu nhân sự quản lý dự án dự kiến tăng trưởng đến 33% từ năm 2017 đến năm 2027. Con số này lớn hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành nghề khác. Mức tăng trưởng mơ ước này được thúc đẩy bởi nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực công nghệ và lượng nhân sự làm việc từ xa.
Mức lương trung bình hàng năm được đưa ra là $ 77.420 (Theo Bureau of Labor Statistics (BLS))
Không chỉ phổ biến trong lĩnh vực CNTT, quản lý dự án còn là vị trí cần thiết cho nhiều ngành nghề khác. Các ngành dịch vụ kinh doanh, dầu khí, tài chính, bảo hiểm, sản xuất, xây dựng và tiện ích trên toàn thế giới cũng cần các PM để quản lý tiến độ ra mắt sản phẩm, dự án của mình.
Đôi khi, người trong nghề nói rằng, đây là vị trí của một “tiền CEO”. Bởi những điểm tương đồng về công việc cũng như thách thức ở hai vị trí này. Họ đều làm việc với các nhà đầu tư, nhóm dự án và khách hàng, đối mặt với các áp lực và hạn chế tài chính giống nhau.
Yêu cầu
Nhiều công việc quản lý dự án đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức tối thiểu, ví dụ cử nhân quản trị kinh doanh, quản lý kinh doanh,… và kinh nghiệm làm việc thực tế. Đúng là bằng MBA không bắt buộc, nhưng nó khá được nhà tuyển dụng ưa thích.
Đôi khi, các ứng viên còn cần thêm một số chứng chỉ chuyên nghiệp khác. PMI đề xuất hai chứng chứng chỉ liên quan đến quản lý dự án là: chuyên gia quản lý dự án (PMP) và cộng sự được chứng nhận về quản lý dự án (CAPM).
Các nhà quản lý dự án phải luôn học hỏi. Cập nhật kiến thức về các quy trình và cấu trúc, thị trường mới, công nghệ, sản phẩm – dịch vụ và khách hàng.
Kế toán viên (Accountant)
Bạn có thể thắc mắc về lý do kế toán viên (Accountant) góp mặt trong danh sách các công việc hàng đầu khi có bằng MBA. Cần nhìn nhận rằng, đây không phải là vị trí làm việc với bảng tính cả ngày, hay tăng ca liên miên trong mùa thuế. Kế toán viên cũng có thể phân tích lãi và lỗ, tư vấn đầu tư, lập hồ sơ pháp lý và quản lý ngân sách của công ty… Họ cần tư duy về chiến lược và quản trị để có thể phát triển thành chuyên gia hàng đầu (hơn là một kế toán quèn).
Kế toán viên là các chuyên gia tài chính. Họ chịu trách nhiệm chuẩn bị, kiểm tra hồ sơ tài chính của các cá nhân hay doanh nghiệp. Công việc của họ là đảm bảo tất cả các giao dịch tài chính được thực hiện chính xác, các khoản thuế được nộp đúng hạn. Kế toán viên có thể chuyên về nhiều lĩnh vực, như kế toán thuế, kế toán pháp lý hay kiểm toán viên.
Triển vọng việc làm
BLS dự đoán số lượng công việc ngành kế toán tăng trưởng 4% (từ 2019 đến 2029), hoặc nhanh bằng tốc độ tăng trưởng trung bình cho tất cả các nghề nghiệp. Triển vọng đến từ những thay đổi liên tục về các tiêu chuẩn ngành và chính sách quản lý, cũng như từ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Công ty nào cũng cần kế toán để hoạch định sổ sách và tài chính. Nhu cầu việc làm rộng mở từ Việt Nam đến toàn thế giới. Bên cạnh việc trở thành nhân viên chính thức tại tổ chức, bạn hoàn toàn có thể nhận thêm các dự án và công việc làm tại nhà.
Kế toán viên có mức lương trung bình hàng năm là 73.560 đô la. 10% nhân sự hàng đầu kiếm được hơn 128.000 đô la mỗi năm.
Yêu cầu
Một bằng cử nhân về kế toán là yêu cầu tối thiểu cho vị trí này. Nhiều công ty có thể ưu thích các ứng viên có bằng thạc sĩ kế toán, hay quản trị kinh doanh liên quan đến hạch toán hay kế toán.
Một kế toán viên thường cần thêm chứng chỉ hành nghề kế toán CPA. Đây là giấy chứng nhận hành nghề kế toán do Bộ Tài Chính cấp. Chứng chỉ này là cơ sở để xác định năng lực, phẩm chất của một kế toán viên xem có phù hợp với những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Quản lý tài chính (Financial Manager)
Các vị trí quản lý đều yêu cầu tư duy về quản trị. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Quản lý tài chính là một trong các công việc hàng đầu khi có bằng MBA. Đây là các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu nhằm giám sát và đảm bảo sự ổn định tài chính của tổ chức mà họ làm việc. Công việc của nhà quản lý tài chính có thể bao gồm lập kế hoạch tài chính, phân tích, phát triển chiến lược, quản lý ngân sách, đánh giá rủi ro, dự tính lợi nhuận và thiết lập các giao thức tuân thủ quy định.
Triển vọng việc làm
BLS dự báo mức trưởng việc làm mạnh mẽ của ngành, khoảng 15% từ năm 2019 đến năm 2029. Tiềm năng tăng trưởng đến từ những tiến bộ trong công nghệ tài chính, cũng như sự tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa.
Các chuyên gia không chỉ làm việc cho công ty, tổ chức, mà còn có thể trở thành một chuyên gia đào tạo tài chính cá nhân. Các lớp tài chính cá nhân, đầu tư luôn “cháy” chỗ cho thấy tiềm năng mở rộng phát triển của nghề.
Mức lương trung bình hàng năm cho các nhà quản lý tài chính là 134.180 đô la. 10% các nhà chuyên gia hàng đầu kiếm được hơn 208.000 đô la mỗi năm.
Yêu cầu
Thông thường, một nhân sự cần có bằng cử nhân về quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính hoặc kinh tế, cùng với kinh nghiệm làm việc có liên quan để có được công việc quản lý tài chính. Nhiều nhà tuyển dụng thích ứng viên có bằng thạc sĩ tài chính, quản trị kinh doanh hoặc kinh tế. Học thêm và có các chứng chỉ để sẵn sàng khi có cơ hội thăng tiến sự nghiệp.
Tư vấn quản lý (Management Consultant)
Các nhà tư vấn quản lý hoặc kinh doanh làm việc với ban lãnh đạo công ty để giúp cải thiện các quy trình kinh doanh phức tạp khác nhau và các vấn đề liên quan đến hiệu quả, lợi nhuận, công nghệ, nhận thức của công ty, v.v.
Đây là các chuyên gia quản lý điều hành chiến lược. Họ làm việc trực tiếp với lãnh đạo công ty nhằm cải thiện và tối ưu hoá các quy trình kinh doanh phức tạp. Đảm bảo và nâng cao hiệu quả, lợi nhuận, công nghệ, nhân sự cũng như định hướng hình ảnh thương hiệu…
Tùy thuộc vào ngành và lĩnh vực chuyên môn, công việc có thể bao gồm nghiên cứu, phát triển chiến lược, giới thiệu hệ thống và phần mềm mới, và tái cơ cấu tổ chức.
Triển vọng việc làm
Trong nhóm các nhà tư vấn và phân tích quản lý, BLS dự báo mức tăng trưởng việc làm 11% (2019 – 2029). Nhu cầu dự kiến đặc biệt cao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin (CNTT).
Trong khi mức lương cho các nhà tư vấn kinh doanh rất khác nhau tùy theo ngành và nhà tuyển dụng, PayScale đặt mức lương cơ bản trung bình hàng năm cho các nhà tư vấn quản lý vào khoảng 88.000 đô la.
Yêu cầu
Nhiều công việc tư vấn quản lý vào yêu cầu bằng cử nhân về quản trị kinh doanh, quản lý kinh doanh, kinh tế, marketing, tài chính, kế toán, máy tính và khoa học thông tin hoặc một lĩnh vực liên quan. Phần lớn các công ty tư vấn quản lý hàng đầu chủ động tìm kiếm các ứng viên có bằng MBA.
Đôi khi các ứng viên được yêu cầu cả về số năm kinh nghiệm tối thiểu cũng như các chứng chỉ từ Viện Tư vấn Quản lý.
Nhà phân tích nghiên cứu hoạt động (Operations Research Analyst)
Đây là các chuyên gia thống kê được sở hữu tư duy phản biện và kỹ năng toán học vượt trội. Họ biết cách biến dữ liệu thô thành các báo cáo và tài sản hữu ích trong kinh doanh. Họ phân tích các mô hình, khai thác dữ liệu để tìm kiếm và đưa ra giải pháp cho các vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp. Từ các báo cáo này, nhà quản trị có thể đưa ra các quyết định phân bổ, sản xuất, định giá, lao động… cho kế hoạch phát triển của tổ chức.
Triển vọng việc làm
Theo BLS, công việc cho các nhà phân tích nghiên cứu hoạt động được dự đoán sẽ tăng 25% (2019 – 2029). Tăng trưởng việc làm dự kiến sẽ đến từ các tiến bộ công nghệ, khi mà doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập và giải thích khối lượng dữ liệu lớn hơn. Chăm sóc sức khỏe và CNTT đang dẫn đầu cho sự phát triển trong lĩnh vực này.
Thu nhập trung bình hàng năm cho các nhà phân tích nghiên cứu là 86.200 đô la. 1/10 nhân sự hàng đầu kiếm được hơn 144.000 đô la một năm.
Yêu cầu
Thông thường, vị trí phân tích nghiên cứu này có yêu cầu tối thiểu về bằng cử nhân. Có thể là về quản trị kinh doanh, kỹ thuật, phân tích, toán học, khoa học máy tính hoặc một lĩnh vực liên quan. Nhiều nhà tuyển dụng thích ứng viên có bằng thạc sĩ và / hoặc vài năm kinh nghiệm trong ngành.
Nhà phân tích kinh doanh (Business Intelligence Analyst)
Các nhà phân tích kinh doanh nghiên cứu sâu về dữ liệu liên quan đến tài chính, bán hàng, quản lý hiệu suất và marketing. Họ tạo ra các báo cáo tài chính, thông tin thị trường để có được các hiểu biết sâu sắc về đối thủ cạnh tranh, thị trường. Bằng cách nhận biết xu hướng và mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp có cơ sở để hoạch định và lên kế hoạch sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới.
Triển vọng việc làm
BLS không báo cáo mức tăng trưởng việc làm cụ thể cho các nhà phân tích kinh doanh. Tuy nhiên, với 11% cho mức tăng trưởng nhân sự phân tích quản lý (một nghề liên quan chặt chẽ, 2019 – 2029), nhu cầu lĩnh vực này dự kiến sẽ tăng cao. Những lĩnh vực tăng trưởng hơn cả là y tế và CNTT.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng cần nghiên cứu thị trường trước khi tung ra một sản phẩm mới, hay thay đổi một định hướng kinh doanh. Nhân sự phân tích kinh doanh hoàn toàn có thể nhận làm các dự án tự do với mức thù lao khá hậu hĩnh.
Mức lương trung bình được đưa ra là 70.000 đô la một năm (theo PayScale).
Yêu cầu
Để trở thành nhà phân tích kinh doanh, tốt nhất nên có bằng cử nhân về khoa học máy tính, kỹ thuật, quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin, kinh tế hoặc một lĩnh vực liên quan chặt chẽ cũng như kinh nghiệm trong ngành.
Nhiều nhà tuyển dụng thích ứng viên có bằng MBA, đặc biệt nếu họ thiếu kinh nghiệm trong ngành liên quan. Bằng thạc sĩ về CNTT hoặc một lĩnh vực tương tự cũng có thể giúp ích rất nhiều.
Giám đốc Marketing sản phẩm (Product Marketing Manager)
Nhân sự chịu trách nhiệm cho các chiến lược marketing để tiếp cận thị trường. Họ có hiểu biết sâu sắc về sản phẩm, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
Giám đốc marketing sản phẩm làm việc chặt chẽ với giám đốc sản phẩm, nhóm phát triển sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm (life cycle of product). Các công việc có thể bao gồm thực hiện nghiên cứu thị trường, phát triển chiến lược truyền thông toàn diện, định giá và định vị sản phẩm.
Triển vọng việc làm
BLS dự đoán nhu cầu nhân sự quản lý marketing và quảng cáo tăng 6% (2019 – 2029). Con số đưa ra cao hơn 2% so với mức trung bình cho tất cả các ngành nghề. Các chuyên gia marketing b2b – bao gồm các giám đốc marketing sản phẩm – hiện đang có nhu cầu cao. Các thị trường công nghệ cao ở Seattle, San Francisco, các nước phát triển như Đông Nam Á luôn có nhiều cơ hội tốt.
Mức lương trung bình cho vị trí này là 142.170 đô la.
Yêu cầu
Kinh nghiệm trong ngành, bằng cử nhân về marketing, quản lý kinh doanh, truyền thông hoặc lĩnh vực liên quan thường được yêu cầu đối với các giám đốc marketing sản phẩm. Nhiều nhà tuyển dụng hàng đầu thích các ứng viên có bằng MBA chuyên về marketing. Bởi họ mong muốn có được một chuyên gia marketing có đầu óc chiến lược và tầm nhìn kinh doanh.
Đọc thêm các bài viết về ngành nghề – hướng nghiệp do ISTAR tổng hợp tại chuyên đề Giáo dục hướng nghiệp.
Bạn cũng có thể đặt lịch tư vấn hướng nghiệp quốc tế với chuyên gia của chúng tôi tại đây. Đây là dự án cộng đồng miễn phí!